Công dụng và cách pha trà sen tươi đúng ngon
Trà sen có nhiều công dụng tốt đôi với sức khỏe con người. Nhưng để pha được ấm trà sen vừa giữ được hương sen, vừa giữ được màu nước và vị chát dịu của chè mộc thì bạn cần phải biết cách pha trà sen theo những cách dưới đây.
Trà sen được làm như thế nào?
Trà sen trước đây chỉ dành cho giới thượng lưu vì giá thành rất đắt (khoảng 7 triệu đồng/kg chè). Vài năm trở lại đây, giới làm trà sen đã ướp trà vào những bông sen tươi vừa hái sớm mai để phục vụ trà sen với giá bình dân khoảng từ 30-50.000đ/bông sen cho phần đông người có nhu cầu.
Giá thành trà sen tươi tuy không cao như trà sen khô truyền thống nhưng trà sen tươi cũng có những yêu cầu nhất định. Hoa sen để ướp trà muốn có hương thơm đượm phải được chọn lọc kỹ càng (nếu là sen ở hồ Tây thì càng tốt). Chọn loại sen có bên ngoài là các cánh hoa lớn, bên trong là hàng trăm cánh nhỏ ôm sát, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Quy trình thu hái sen phải làm trước bình minh, phải lựa ngày nắng ráo, tránh ngày mưa thì làm trà sen mới thơm ngát. Trà ướp sen tươi là trà khô (trà mộc, trà xanh), và búp trà là loại “một tôm hai lá” có vị chát dịu.
Chọn nước pha trà sen
Theo nghệ thuật của các cụ xưa thì thưởng trà chia làm ba cung bậc: Độc ẩm, đối ẩm và quần ẩm. Dù ở cung bậc nào thì bên chén trà nóng mọi người cởi mở, gần gũi, làm nên nét đẹp cộng đồng văn hóa trà Việt. Dân gian đúc kết kinh nghiệm để có ấm trà ngon là: “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Nước pha trà xưa là nước mưa, giếng khơi, cầu kỳ là nước đọng trên lá sen buổi sáng sớm. Còn ngày nay thường lấy nước máy để sau 30 giờ mới pha trà mới đủ trừ được hàm lượng kim loại ion, cấn, cặn có trong nước máy làm mất hương vị trà. Nước pha trà là nước nóng 90-95 độ C để nước trà không quá đậm, ảnh hưởng đến vị trà và hệ tiêu hóa trong cơ thể. Cũng không pha trà bằng nước nguội, vì uống sẽ bị thu hút đờm.
Chọn ấm để pha trà sen?
Tùy thời tiết, cung bậc mà có đồ pha trà phù hợp: Trà mộc dùng ấm đất, trà hương dùng ấm sành, trời nóng dùng chén miệng loa để trà tỏa nhiệt nhanh, trời lạnh chọn chén miệng khum nhằm giữ nhiệt. Một bộ ấm chén pha trà gồm: 1 ấm lớn và 1 ấm chuyên (hoặc chén tống để rót trà từ ấm lớn ra rồi chia ra các chén), 1 thanh tre nhỏ để lấy trà. Các dụng cụ đều phải tráng nước sôi trước khi dùng.
Cao cấp nhất là ấm tử sa (ấm gốm tự nhiên), thành ấm có nhiều lỗ thông khí kép nhỏ li ti (để hấp thu hương trà sen), nước trà lâu thiu, nóng lâu, không bị rạn nứt vì nóng lạnh tức thời, không bỏng tay, giữ được tinh hoa của trà sen… Dùng lâu ngày hương vị trà sen còn đọng trong lòng ấm rất thơm, và giá cao tới 1,7 – 3 triệu đồng/chiếc.
Rẻ tiền nhất là các loại ấm Bát Tràng, ấm hai da, ấm da lươn, ấm tráng men… chỉ cần chọn loại có quai, núm nắp vừa tay cầm, miệng ấm nhỏ để “nhốt” hương, vòi ấm thoát nước nhanh khi rót. Muốn giữ nhiệt lâu (nhất là vào mùa lạnh) thì đặt ấm trà vào trong thuyền trà (như bát to đựng nước nóng).
Cách pha trà sen tươi đúng chuẩn để trà thơm ngon
Đầu tiên ta rã đông búp trà sen tươi bằng lò vi sóng hoặc trần qua nước nóng, tách bỏ hết phần lá gói và cánh sen, chỉ lấy phần trà và nhụy sen. Làm ấm dụng cụ pha trà, nhiệt độ pha trà từ 85-90 độ C, lượng nước cho một lần pha 250-350 ml, cho nước vào bình 2-3 phút rồi rót ra chén trung gian 30 giây, cho ra chén uống trà.
Cách bảo quản trà sen tươi
Trà sen tươi để nguyên lá, chứa trong tủ lạnh, khi dùng mới lấy ra.
Pha trà sen tươi xong nên uống ngay mới thơm và ngon. Không nên để lâu vì nước sẫm, mất hương vị thơm. Nên uống buổi sáng, sau bữa ăn khoảng 30 phút, hương sen thấm sâu vào hệ thần kinh, giúp tỉnh táo làm việc.
Để chén trà trên lòng bàn tay để cảm nhận hơi nóng, đưa nhẹ qua mũi để thưởng hương trà sen tươi. Uống trà từng ngụm nhỏ, chậm rãi để cảm nhận vị trà chát, rồi ngọt nhẹ, thơm lâu…