Lịch sử ra đời của trà đạo Nhật Bản
Theo ghi chép của tài liệu xưa thì trà đạo Nhật vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ VIII (giai đoạn từ thời Nara đến thời Heian), trà đã được du nhập vào Nhật Bản là do các sứ thần và du học sinh đã mang từ Trung Quốc về. Thời bấy giờ việc thưởng trà chưa phổ biến và được biết đến là một trong những nghi lễ xa hoa chỉ có trong giới quý tộc mới dùng.
Đến thế kỉ XII (thời Kamakura), vị cao tăng người Nhật Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để học đạo và đã mang một vài hạt giống trà để trồng tại sân chùa, nhưng ông đã nghĩ đó là thuốc. Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự ra đời của cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki) do ông viết nên, ghi chép về những công dụng của trà. Cuốn sách sau đó được lưu truyền rộng rãi và cũng từ đó việc thưởng trà dần trở nên phổ biến với những vị thiền sư tại Nhật Bản.
Vào thế kỉ XIII, trà đạo trở thành biểu tượng cho quyền lực của giới thượng lưu và những nghi lễ thưởng trà được quy định bởi giai cấp thống trị – tầng lớp samurai. Sau đó, trà đạo cũng dần trở nên phổ biến trong tầng lớp bình dân nhưng chỉ dành cho nam giới. Mãi đến đầu thời Meiji (1868-1912) thì phụ nữ mới chính thức được tham dự tiệc trà. Từ đó đến nay, văn hóa trà đạo càng được hoàn thiện và phổ biến, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Nhật Bản.
Với công dụng giúp thư giãn đầu óc lẫn tính hấp dẫn đặc biệt trong hương vị của trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú vui tao nhã này. Họ đã kết hợp việc uống trà với tinh thần Thiền tịnh của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành Trà Đạo Nhật (chado, 茶道), một giá trị văn hóa trà đặc sắc mang đậm bản sắc người Nhật.
Ngày nay, Trà Đạo Nhật Bản đã trở thành một nét văn hóa độc đáo nổi tiếng trên thế giới vì sự tỉ mĩ, tinh tế và ý nghĩa sâu xa vô cùng của nó.
Hướng dẫn pha trà đạo Nhật bản đúng cách
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ trước khi pha trà đạo Nhật
Trước khi buổi trà đạo bắt đầu, tất cả những dụng cụ cần thiết phải được chuẩn bị kỹ càng. Bộ dụng cụ cần thiết cho buổi trà đạo được gọi là chabako (茶箱), bao gồm một cái chén, một cây khuấy trà bằng gỗ, một cái muỗng nhỏ múc trà và một vài vật dụng khác. Đặc biệt, trong suốt quá trình chuẩn bị này, người tổ chức tiệc trà phải thực sự đạt được sự thanh thản, không còn vướng bận trong tâm hồn.
Bước 2: Khách tham dự buổi pha trà cần chú ý
Không chỉ chủ nhà mà cả các vị khách cũng phải chuẩn bị khi được mời tham gia một buổi tiệc trà. Khách tham dự nên để cho tâm hồn được thư thái, gạt bỏ đi những lo âu thường nhật.
Trước khi vào phòng trà hoặc nơi tổ chức, khách tham dự phải rửa tay. Điều này không chỉ đơn thuần là để đảm bảo vệ sinh mà còn có ý nghĩa như một hành động gột rửa mọi bụi bẩn, trần tục để tâm hồn được thanh tịnh, sẵn sàng tham gia vào buổi trà đạo. Khi buổi trà đạo đã sẵn sàng, chủ nhà sẽ ra dấu hiệu và mời khách vào phòng trà. Khách tham dự phải cúi đầu như một dấu hiệu tôn trọng người tổ chức và biết ơn với sự chuẩn bị mà người này đã thực hiện.
Bước 3: Vệ sinh dụng cụ pha trà bằng nước nóng
Để đảm bảo vệ sinh và giữ cho trà luôn ấm thì những dụng cụ pha trà phải được tráng qua nước sôi rồi lau khô bằng khăn bông mềm sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, khi thực hiện thao tác này, chủ nhà phải làm với thái độ trang nghiêm, tập trung cao độ, đồng thời các động tác lau, rửa cũng phải thật uyển chuyển, duyên dáng.
Bước 4: Pha trà đạo Nhật Bản
Lượng bột sử dụng để pha trà:
Trà xanh matcha truyền thống được chia thành hai loại chính, đó là trà đắng (濃茶) và trà thanh (薄茶). Để pha một tách trà đắng thơm nồng và đậm vị, người pha trà phải cho khoảng 3,75g bột matcha (tương ứng với hai thìa đo trà), còn đối với loại trà thanh, ta chỉ sử dụng khoảng 1,8g (tương ứng với một thìa đo trà).
Nhiệt độ nước sôi sử dụng để pha trà:
- Vào mùa đông: khoảng từ 75°C đến 85°C. Nước pha trà thường được đổ vào tách hai lần, lần đầu đến lưng cốc rồi tiếp tục cho thêm nước lần hai đến lưng cốc.
- Vào mùa hè: khoảng từ 70°C đến 80°C. Nước pha trà đổ trực tiếp vào tách một lần duy nhất.
Cách pha:
Cho một lượng trà thích hợp với chén, đổ nước nóng vào và hòa tan bằng dụng cụ khuấy trà (chasen). Đầu tiên, khuấy mạnh và đều tay ở phần đáy chén trà để bột trà được hòa tan hoàn toàn. Đến khi bọt nổi lên thì khuấy nhẹ tay ở bề mặt chén để tạo một lớp bọt mịn rồi được đặt chén trà trên tatami trước mặt khách, mặt trước của ly đối diện với khách.
Bước 5: Thưởng trà đạo Nhật
Sau khi được chủ nhà mời trà, vị khách đầu tiên sẽ đặt chén trà vào lòng bàn tay trái và giữ chén bằng tay phải rồi cúi đầu, nâng nhẹ tách trà lên và thưởng thức. Thông thường, phần mặt chén (正面) thường mang ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy, khi uống cần phải xoay chén để tránh không chạm môi vào phần mặt chén. Không uống cạn ly trà trong một lần mà nên chia thành ba ngụm. Cúi đầu và bày tỏ lòng biết ơn sau khi nhận và uống hết tách trà của mình. Khi đưa lại chén trà, phải hướng mặt trước của chén về phía người mời trà để thể hiện sự tôn trọng. Khách thưởng trà cũng sẽ được mời thưởng thức những loại bánh ngọt truyền thống Nhật Bản.
Trong suốt buổi thưởng trà, người tiếp trà và khách mời sẽ thường giao lưu về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật, văn hóa mang tính giáo dục cao. Không khí trang nghiêm và tôn kính luôn là tiêu chí hàng đầu trong buổi giao lưu. Thông thường, người ngồi chiếu đầu mang vị trí quan trọng nhất, thông thái và hiểu biết nhất và sẽ là đại diện cho nhóm người thưởng trà.
Bước 6: Hoàn thành buổi lễ
Sau khi tất cả khách đã thưởng trà, chủ nhà cũng sẽ rửa và lau sạch những dụng cụ đã được sử dụng trong buổi lễ. Khách cần kiểm tra các dụng cụ này sau khi đã được làm sạch như một cách để bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với chủ nhà. Sau đó, chủ nhà sẽ cất gọn những dụng cụ này và tiễn khách tham dự.
Quy tắc thưởng trà đạo Nhật và những giá trị thiêng liêng của trà đạo
Thưởng trà là một phương tiện hữu ích giúp tâm hồn thêm thư thái và rèn luyện sự tỉ mỉ, cẩn thận. Có 4 quy tắc thưởng trà cơ bản được đề ra bởi đại trà sư người Nhật Sen no Rikyu – người có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa trà đạo Nhật Bản, đó chính là: Hòa (hài hòa) – Kính (tôn kính) – Thanh (thanh thản) – Tịch (tĩnh lặng).
Trà đạo không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn có ý nghĩa giáo dục rất cao. Từ nghi thức thưởng trà tới những bước pha trà đều tuân thủ những quy tắc cơ bản, trà đạo với những giá trị thiêng liêng không chỉ được đúc kết thành một nét văn hóa mà thậm chí còn được người Nhật coi như là tôn giáo và thuật sống được lấy ra làm tiêu chuẩn trong lối sinh hoạt hàng ngày.