Sáng ngày 09/12/20, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa trà ở Việt Nam và thế giới: Lịch sử – Văn hóa trà trong bối cảnh đương đại. Đây cũng là một trong những hoạt động dịp Lễ giỗ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Hội thảo có 02 phiên đó là tập trung vào văn hóa trà Việt Nam và văn hóa trà thế giới. Theo các học giả, trà là một loại thức uống có nguồn gốc từ thời cổ đại cách nay trên 5.000 năm, đã phát triển khá phổ biến và liên tục trong nhiều nền văn minh và nhiều quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới.
Trong lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam, trà là một loại thức uống quen thuộc, gắn với đời sống dân cư văn hóa nông nghiệp, có mặt từ cuộc sống đời thường cho đến những lễ nghi trang trọng. Với vị trí như vậy, trà có tư cách như một dấu gạch nối văn hóa trong giao tiếp, nơi thể hiện một cách tự nhiên trình độ văn hóa, thẩm mỹ, ý thức xã hội của con người và đóng vai trò trong kết nối con người với nhau.
Trong thương hiệu du lịch văn hóa trà Việt Nam, trà sen là đối tượng đáng chú ý. Tại Đồng Tháp, một địa phương có thế mạnh về sen, lấy hình ảnh hoa sen để xây dựng thương hiệu “Đất Sen hồng”, “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, nhiều sản phẩm đặc trưng từ sen được ra đời, đặc biệt là trà sen (tim sen, búp sen, lá sen). Đây chính là những sản phẩm dịch vụ du lịch có giá trị trong nhóm sản phẩm từ sen, trước hết mang tính chất như một món quà lưu niệm cho du khách khi đến với quê hương Đồng Tháp.
(huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Đây là sản phẩm được chứng nhận OCOP
tỉnh Đồng Tháp năm 2020, hạng 4 sao.
Với giá trị văn hóa và trà sen có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người, các học giả đề xuất một số chiến lược phát triển trà sen thành một sản phẩm du lịch đặc thù trong phát triển du lịch ở Đồng Tháp và phát triển thương hiệu du lịch văn hóa trà sen Đồng Tháp. Đó không chỉ là con đường giúp mở rộng thị trường theo cách “xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển sản xuất trà sen mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và vốn văn hóa truyền thống địa phương.
Tại Hội thảo, văn hóa trà thế giới cũng được các học giả chia sẻ. Đó là góc nhìn về văn hóa trà đạo Hàn Quốc – văn hóa trà đạo dâng chư Phật và nghệ thuật thưởng thức trà mạn; văn hóa trà Trung Hoa: Hành trình từ đời sống đến nghệ thuật; trà trong văn hóa phương Đông v.v..