Hoa sen cắm dưới bùn đất hôi tanh, nhưng vẫn dựa vào mặt nước lạnh lẽo để tồn tại, đã cống hiến cho đời một sắc hoa rực rỡ, mang cốt cách, tinh thần của người Việt Nam. Cây Sen thuộc chi Sen, họ Sen, thuộc thực vật có hoa. Đây là loại thực vật phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, diện tích trồng sen tập trung nhiều nhất tại Đồng Tháp, kế đến là các địa phương như An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bến Tre. Ở Đồng Tháp, diện tích trồng sen có hơn 1.000 hecta và thủ phủ về sen là huyện Tháp Mười với khoảng trên dưới 300 ha đất trồng sen.
Đồng Tháp Mười có địa hình là cánh đồng lũ nên thường có nhiều ao hồ, đất bùn ngập nước. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cây sen phát triển mạnh. Cây hoa sen được trồng để lấy hoa, lấy hạt, lấy nhị, lấy lá, lấy ngó và lấy củ.
Cây sen, từ một loài thực vật phổ biến, đã được nâng cấp giá trị qua thời gian. Công nghệ nghiên cứu, sản xuất, của các nghệ nhân đã làm cho giá trị cây sen được nâng cao và ngày càng được sử dụng phổ biến rộng rãi hơn. Sen là nguyên liệu cho ẩm thực, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, thời trang,..
Sen được dùng làm thức ăn
Điển hình về ẩm thực, sen có tính mát nên được dùng làm thức ăn và thức uống giải nhiệt rất tốt. Các bộ phận của cây sen (gần như tất cả) không chỉ dùng như nguyên liệu chế biến món ăn mà còn có thể sử dụng như chất liệu trang trí món ăn hoặc món ăn kèm. Hiện nay các món ăn, thức uống từ sen có thể chia thành 5 nhóm: Với nhóm cơm, cháo, nguyên liệu chủ yếu là củ sen và hạt sen. Với nhóm rau, nguyên liệu chủ yếu là củ sen và ngó sen. Với nhóm thức uống, thì nguyên liệu sử dụng chủ yếu là hoa sen, hạt sen và lá sen. Với nhóm ăn vặt, thì chủ yếu là hạt sen.
Sen được dùng làm thức uống
Trà sen là tên gọi chung cho các loại trà kết hợp có nguyên liệu là sen. Đây cũng là sản phẩm có giá trị khá cao trong nhóm sản phẩm từ sen. Các bộ phận của sen có thể sử dụng tạo ra trà sen bao gồm: búp sen, tim sen, lá sen. Với từng bộ phận sẽ có những loại trà khác nhau, búp sen sẽ cho ra trà ướp sen, tâm sen sẽ cho ra trà tâm sen, lá sen cho trà lá sen. Trà sen Đồng Tháp có một số công dụng như hỗ trợ giảm cân, giúp ngon giấc, phục hồi sức khoẻ, chữa thiếu máu, giảm mỡ máu và gan nhiễm mỡ,…
Với từng quy trình tạo ra trà sen tương ứng với các bộ phận của sen, có thể thấy được sức sáng tạo và bao nhiêu công khó của nông dân với mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm chất lượng độc đáo.
Trà lá sen
Lá sen làm trà đạt chuẩn phải là lá bánh tẻ lớn, xanh đậm, không quá non hay quá già, không bị sâu hại, bởi lá non làm giảm hương vị trà, trong khi lá già ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Lá thu hoạch vào sáng sớm để giữ mùi thơm của nhựa sen. Lá sen sẽ được rửa sạch bằng nước, dưới các vòi đang chảy để rửa trôi hết lớp bụi bẩn bám quanh lá. Sau đó, lá sen được để ráo nước rồi đưa vào máy xắt sợi dài theo bề rộng. Lá tiếp tục được đưa vào máy sấy lạnh để giúp giữ màu sắc xanh và những chất cần thiết có ích cho sức khỏe. Trung bình 13kg lá trà tươi khi sấy còn lại khoảng 1kg lá khô. Cuối cùng, lá sen khô được đóng túi và trở thành trà hoặc được nghiền nhỏ để trở thành trà túi lọc. Trà lá sen thành phẩm vẫn còn nguyên màu xanh, mùi thơm đặc trưng của lá tươi.
Trà tâm sen
Trà tâm sen chất lượng giúp an thần, ngủ ngon, hạ huyết ápTâm sen lựa chọn từ các hạt sen to tròn, vừa chín tới và không bị sâu hại. Nông dân hái gương sen vào sáng sớm, sau đó, tách ra lấy hạt. Từ hạt sen, tách tiếp tục để lấy tâm sen. Tâm sen sau khi được tách ra được đem đi phơi khô, sau đó sao vàng tâm sen phơi khô trên lửa nhỏ. Trung bình, 01 kg tâm sen tươi cho ra 0,3 kg tâm sen khô. Cuối cùng, tâm sen sau khi được sao vàng, được đóng gói và trở thành trà tâm sen. Trà tâm sen thành phẩm vẫn giữ được vị đắng nhẹ của tâm sen, màu xanh đậm và có mùi thơm đặc trưng của tâm sen tươi.
Trà sen Tháp Mười
Trà sen Tháp mười hay gọi chung là trà ướp sen thì phải tốn nhiều công sức hơn để tạo ra thành phẩm. Nông dân chỉ hái những búp trà ngon loại “một tôm hai lá”và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Trà hái xong không ướp hương ngay mà sao vàng rồi để trong chum đất, trên ủ lá chuối, ướp từ 20-30 ngày nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Vào buổi sáng sớm hay chiều tối là thời điểm bỏ trà vào hái sen. Đem những búp chè đã sao kỹ, nhè nhẹ tách cánh sen hồng, thả từng nhúm vào cho sen ngậm, để suốt đêm sen ủ ấp những cánh chè. Rồi đến sáng tinh sương hôm sau, ta sẽ hái những đóa sen ngậm chè vẫn đang chúm chím nở. Trà ướp sen khi thành phẩm sẽ có mùi hương đặc trưng hoà quyện giữa lá trà xanh và hương thơm của hoa sen tạo cho thực khách cảm giác khoan khoái, dễ chịu.
Qua những chia sẻ về những giá trị của cây sen của Trà Sen Tháp Mười chúng tôi, mong rằng quí vị có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp để nâng cao sức khỏe cho mình và cả gia đình nhé.