Mừng sinh nhật bác hồ 131 tuổi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.Đã 52 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng những kỷ niệm, những di sản mà người để lại cho hậu thế vẫn trường tồn với thời gian.
Tiểu sử chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, mất ngày 02 tháng 9 năm 1969. Ông là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1945–1955, Chủ tịch nước từ năm 1951 đến khi qua đời.
Trong quãng thời gian sinh sống và hoạt động cách mạng trước khi lên nắm quyền, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia, ông được cho là đã sử dụng 50 đến 200 bí danh khác nhau. Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Marx – Lenin. Ông là lãnh đạo phong trào độc lập Việt Minh, tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử năm 1946. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến tranh Đông Dương chấm dứt. Trong giai đoạn diễn ra chiến tranh Việt Nam, Hồ Chí Minh là nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến thắng, hai miền Nam-Bắc Việt Nam được thống nhất, dẫn đến sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1976. Thành phố Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh để tôn vinh ông cũng như sự kiện này. Hồ Chí Minh rời khỏi chính trường vào năm 1965 vì lý do sức khỏe rồi qua đời vào năm 1969.
Ngoài hoạt động chính trị, Hồ Chí Minh cũng là nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp.
Châm ngôn “Cần Kiệm Liêm Chính – Chí Công Vô Tư” của Bác
Hồ Chí Minh là người cộng sản mẫu mực, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm. Bác không chỉ nêu ra và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và rèn luyện những phẩm chất “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”, hướng lòng mình đến “chí công vô tư” để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Bác còn chính là hiện thân của những phẩm chất cao quý đó. Với Bác, từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh luôn nỗ lực làm việc và chi tiêu thật tiết kiệm. Luôn thích các món ăn dân gian như dưa cà, mắm tép, cá kho và thường tránh các nghi thức đón tiếp linh đình, lãng phí. Bác thường mặc bộ kaki, đi dép lốp cao su, dùng túi vải, mũ cát khi đi thăm đồng chí, đồng bào. Kể cả khi đi công tác ngoài nước thường chọn đi thăm bếp ăn của công nhân, nơi ở của người dân nghèo; không thích ở nhà của Phủ toàn quyền Đông Dương hay dinh thự cao cấp, đủ tiện nghi mà chọn căn phòng vốn là nơi ở của người thợ điện và sau đó là ngôi nhà sàn kiểu đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc thường sinh sống…
Lời bác dạy vẫn luôn là châm ngôn sống để các thế hệ trẻ học tạp và làm theo để giúp ích cho bản thân cũng như cho xã hội.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người.
Đó là những gì Bác Hồ đã dặn dạy chúng ta qua tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính – Chí Công Vô Tư” của người và được nhắc lại một lần nữa trong di chúc.
- Cần: là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai
- Kiệm: là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi và không phải là bủn xỉn.
- Liêm: là trong sạch, không tham lam tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon.
- Chính: nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn Cần, Kiệm, Liêm là gốc của Chính.
Ngoài 4 đức tính làm người ra chúng ta nên học theo tấm gương của Bác trong công việc.
- Làm việc trách nhiệm: Phải có trách nhiệm phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách.
- Làm việc khoa học, đổi mới: Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể.
- Làm việc có chương trình, kế hoạch: chương trình, kế hoạch làm việc cần khoa học, cụ thể, chi tiết, không nên tham lam, thiết thực, vừa sức. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát nhưng không thực hiện được.
- Làm việc gắn với kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm: Mỗi khi làm xong một việc gì, dù thành công hay thất bại, đều cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm những việc làm được, hoặc còn chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc.
- Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực: Người phải có chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn.
𝑲𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒄𝒂̂̀𝒏 𝒉𝒐̣𝒄 đ𝒂̂𝒖 𝒄𝒉𝒐 𝒙𝒂 𝒙𝒐̂𝒊 𝒄𝒉𝒊̉ 𝒉𝒐̣𝒄 𝒕𝒉𝒆𝒐 𝑩𝒂́𝒄 𝑯𝒐̂̀ 𝒕𝒉𝒐̂𝒊 𝒍𝒂̀ đ𝒂̃ 𝒉𝒆̂́𝒕 𝒎𝒐̣̂𝒕 đ𝒐̛̀𝒊 𝒏𝒈𝒖̛𝒐̛̀𝒊.
Nhân ngày sinh nhật Bác Hồ, Trà sen Tháp Mười xin được điểm một vài nét đáng trân quý về vị lãnh tụ của người dân Việt Nam ta. Chúng con đời đời ghi nhớ công ơn to lớn mà bác đã hy sinh và để lại cho dân tộc Việt Nam và hứa cố gắng phấn đấu làm theo những chỉ dạy mà bác để lại. Mong sao cho đất nước ta luôn an bình và ngày càng phát triển vững mạnh.