Hiện nay gạo ST25, ST24 là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 do anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và phát triển đã bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và ở Úc.
Gạo ST25, ST24 bị đăng ký thương hiệu tại Úc
Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia cho biết, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 ngày vào 22-4. Vụ việc đã được Thương vụ Việt Nam tại Úc làm việc quyết liệt.
Ông Nguyễn Phú Hoà – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, cơ quan này đã gửi công văn cùng tài liệu, hình ảnh đến IP Australia để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công. Giống lúa này đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Gạo ST24, ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế. Sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng rãi, trong đó có Australia.
Theo quy định của IP Australia, thời gian kiểm tra với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại nước này khoảng 3-4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.
Theo Bộ Công thương, sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Úc tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 4,7 triệu USD.
Gạo ST25, ST24 bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu
Thứ nhất là nhãn hiệu “The world’s best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi – khong tieu duong”, đăng ký ngày 22/10.
Nhãn hiệu thứ hai và thứ ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18/6 và 10/8.
Nhãn hiệu thứ tư và năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” và “Vietnam’s ST25 rice, dac san Soc Trang” đăng ký ngày 31/7 và 1/9. Trong đó, nhãn “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.
Việc bảo hộ thương hiệu hàm nghĩa một doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu đó, các doanh nghiệp khác không được đăng ký trùng lắp. Như vậy, nếu 4 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới.
Ông Hồ Quang Cua trả lời báo về các động thái đòi lại quyền bảo hộ cho gao ST25, ST24 tại Mỹ và Úc
Ông Cua chính thức nộp đơn xin bảo hộ tại Mỹ
Rất may, các thương vụ Việt Nam ở Mỹ đã tích cực hỗ trợ kịp thời. Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái nhanh chóng, hiệu quả trong ứng xử với doanh nghiệp ở Úc đăng ký bảo hộ gạo ST24 và ST25. Thương vụ đã liên hệ với tôi bàn giải pháp phối hợp xử lý vụ việc. Tiếp theo là hành động của thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Những việc làm của thương vụ tại Úc đã làm ấm lòng chúng tôi.
* Các bộ, ngành trong nước đã có động thái gì hỗ trợ để bảo vệ giống gạo thơm ST24, ST25?
– Đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công thương… động viên tôi vì thể diện quốc gia, vì danh dự của Việt Nam mà hãy tích cực xúc tiến đăng ký thương hiệu cho gạo thơm ST24, ST25. Họ hỗ trợ về thông tin, thủ tục cho chúng tôi.
Mặt khác, hiện có rất nhiều công ty luật trong và ngoài nước mong muốn hỗ trợ miễn phí đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST24, ST25.
* Cuối năm 2020, khi nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm trại sản xuất giống lúa của ông, ông có nhã ý nhượng quyền lại cho Nhà nước. Bây giờ ông còn có mong muốn này?
– Ông Cua trả lời: Trước sau gì thì tôi vẫn mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước. Cả đời tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi. Còn nếu nhượng quyền cho doanh nghiệp, dù có đưa ra giá cao thì tôi vẫn từ chối.
* Vì sao ông lại từ chối nhượng quyền giống lúa ST25 cho doanh nghiệp, dù có nhiều lợi ích?
– Nhiều công ty đã gặp tôi, đề nghị tôi nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần. Họ đưa ra giá khá hậu hĩnh, nhưng tôi từ chối. Doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng.
Còn khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi. Hiện tôi đã nhượng quyền cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả.
* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng phải là doanh nghiệp có tiềm lực chứ khi Nhà nước nhận nhượng quyền thì không có đủ kinh phí để triển khai, ông nghĩ sao?
– Đây là vấn đề rất tế nhị. Tôi không thể đưa ra con số cụ thể nhưng cũng mong thành quả của mình được trả công xứng đáng. Tôi được biết sắp tới Nhà nước sẽ dành kinh phí khá lớn đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng. Do vậy, chỉ cần trích ra một phần đã dư kinh phí để có bản quyền giống ST25.
* Sau khi nhượng quyền giống, ông sẽ về hưu, an nhàn bên con cháu hay sẽ tiếp tục nghiên cứu giống lúa?
– Không. Sau khi nhượng bản quyền giống lúa ST25, tôi vẫn sẽ góp sức nghiên cứu để cải tiến chất lượng hạt giống và sản xuất giống siêu nguyên chủng. Tôi làm công việc này chục năm nay, cây lúa đã ngấm vào máu, tôi không thể bỏ cây lúa nửa chừng. Tôi sẽ gắn bó với công việc nghiên cứu đến khi nào còn đủ sức khỏe.